Đối với huyện Tây Nguyên Krông Buk của tỉnh Đăk Lăk, cây Cà phê từ lâu đã trở thành linh hồn và gắn liền với cuộc sống mưu sinh của người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc miền núi. Cà phê bám đất bám quê là thế, nhưng với phương pháp canh tác manh mún, nhỏ lẻ và mang đậm tập quán truyền thống thì cà phê vẫn mang đến nhiều trăn trở và khó khăn cho người trồng. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là chất lượng thành phẩm chưa đủ tiêu chuẩn, đầu ra bấp bênh và giá thành chưa đảm bảo được lợi nhuận.
Nhận thấy sự thay đổi phương pháp canh tác phải quyết liệt và có hệ thống, như vậy mới mang lại những thay đổi thực sự tích cực. Năm 2017, HTX Nông nghiệp Dịch vụ Krông Buk được thành lập, người đại diện là bà Nguyễn Thị Thúy Diễm. Trong những bước khởi đầu, HTX đã vận động và nhận được sự tham gia của 49 hộ thành viên, trong đó có 3 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh đó là con số 120 hộ nông dân liên kết thường xuyên cùng HTX. Với mục tiêu, phát triển cây cà phê theo chuỗi liên kết giá trị cà phê sạch bền vững, đây chắc chắn là bài toán nhiều thách thức cho chính ban quản trị và cả những thành viên của HTX.
Vượt qua nhiều trở ngại ban đầu về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực quản lý, kinh nghiệm vận hành HTX cũng như việc thay đổi thói quen canh tác truyền thống, đến nay HTX cơ bản đã đi vào hoạt động nhịp nhàng với những giá trị tích cực mang đến cho người nông dân. 100% thành viên của HTX được tập huấn 3 lần/năm với các nội dung vô cùng thiết thực như: sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn Fair Trade, quy trình chăm sóc, bảo vệ và tái canh cà phê hướng bền vững, kỹ thuật tưới tiết kiệm, kỹ thuật quản lý dịch hại và nâng cao năng suất, kỹ thuật bảo quản và sơ chế… Từ đó, giúp các hộ thành viên nâng cao cả về năng suất thu hoạch lẫn chất lượng hạt cà phê, cải thiện rõ rệt đời sống kinh tế với việc thu mua cà phê ổn định và với mức giá bằng hoặc cao hơn thị trường.
Ngoài ra, HTX còn luôn quan tâm đến việc hỗ trợ bà con thành viên những nguồn nguyên liệu đầu vào cho canh tác một cách chỉnh chu nhất. Điển hình là công tác bàn bạc và ký kết mua hơn 50 tấn phân bón chất lượng với giá thành tốt mỗi năm, cung cấp nguồn cây giống chất lượng và sạch bệnh,… . Đặc biệt, còn hỗ trợ thành viên vay vốn tín dụng để đầu tư phát triển, mở rộng diện tích cây cà phê mới, cũng như việc tái canh, xen canh nâng cao đời sống.
Với tinh thần quyết tâm thay đổi và cải thiện chất lượng thành phẩm, HTX đã thu về sự phát triển đáng ghi nhận qua từng năm phấn đấu:
+ Năm 2017: Cung ứng 100 tấn cà phê thường và cấp cho Thành viên 20 tấn phân bón hữu cơ vi sinh.
+ Năm 2018: Cung ứng 180 tấn cà phê thường, 15 tấn cà phê chế biến ướt và 30 tấn phân bón hữu cơ vi sinh..
+ Năm 2019: Cung ứng khoảng 130 tấn cà phê đạt chuẩn xuất khẩu, 250 tấn cà phê thường, 20 tấn cà phê chế biến ướt và 40 tấn phân bón hữu cơ vi sinh
+ Năm 2020: Cung ứng 150 tấn cà phê đạt chuẩn xuất khẩu, 300 tấn cà phê thường, 25 tấn cà phê chế biến ướt và 55 tấn phân bón vi sinh hữu cơ.
HTX đã mang lại lợi ích kinh tế cho từng thành viên, tạo điều kiện cho các thành viên sản xuất sản phẩm nông sản chất lượng cao và tham gia vào thị trường cạnh tranh trong nước lẫn quốc tế. Hiện đại hóa công nghệ trong sản xuất và sau thu hoạch, tăng tính cạnh tranh, cải thiện giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua quy trình chế biến và thương mại hóa đa dạng các sản phẩm.
Không dừng lại ở những lợi ích thiết thực về kinh tế, HTX còn chung tay cùng địa phương xây dựng cộng đồng phát triển với nhiều sự hỗ trợ kịp thời như: quyên góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ ủng hộ người nghèo, tặng cặp sách cho học sinh nghèo vượt khó, tặng quà cho các nạn nhân chất độc màu da cam, ủng hộ chiến sĩ nơi biên giới,… Đặc biệt, HTX còn phối hợp cùng địa phương giải quyết các vấn đề về xã hội cấp thiết như: việc làm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường,…
Có thể thấy, đây là mô hình kinh tế vô cùng thiết thực và cần tiếp tục được ủng hộ – phát triển – nhân rộng, giúp người dân sống tốt và tin tưởng vào giá trị bền vững của cây Cà Phê. Trong tương lai, HTX sẽ tiếp tục phát huy các thế mạnh sẵn có, tiếp tục tiếp thu các kiến thức khoa học kỹ thuật và áp dụng công nghệ vào vận hành với mong muốn mang lại nhiều hơn các giá trị thiết thực cho thành viên và địa phương.