Sau nhiều năm canh tác, các rẫy cà phê dần rơi vào tình trạng già cỗi, năng xuất kém và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cà phê sau thu hoạch. Đồng thời, với sự thay đổi nhanh chóng của biến đổi khí hậu và các yếu tố khác, việc canh tác theo hướng truyền thống không còn đáp ứng được nhu cầu giá trị sản xuất cũng như thị hiếu thị trường. Nhận thấy sự thay đổi là tất yếu, năm 2014 HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận Phát tại thôn 9 (xã Ea Ngai) – huyện Krông Buk – tỉnh Đăk Lăk chính thức thành lập với sự dẫn dắt của ông Lê Xuân Tứ. Với mục tiêu hợp tác, hình thành vùng nguyên liệu, hỗ trợ các thành viên tăng thu nhập. Ngay sau khi thành lập, HTX đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Đắk Man (TP. Buôn Ma Thuột) để liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê sạch bền vững.
Hiện nay, HTX nhận được sự tham gia nhiệt tình từ 49 thành viên với tổng diện tích lên đến 105 ha. Trong năm 2018, tổng doanh thu trong lĩnh vực sản xuất cà phê của HTX chạm mốc 15 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 30% so với năm 2014. Khi tham gia HTX, các thành viên phải tuân thủ yêu cầu, quy trình kỹ thuật về phun thuốc, bón phân, cắt cành; thu hái đạt tỷ lệ quả chín 80% trở lên; cà phê sau khi thu hoạch phải đưa vào hệ thống chế biến ướt trong vòng 24 giờ. Sản phẩm cà phê nhân làm ra đáp ứng đủ các tiêu chuẩn được cấp chứng nhận FLO-CERT.
Nhằm nâng cao chất lượng cà phê, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của đơn vị liên kết, HTX Nông Nghiệp Công Bằng Thuận Phát đã phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật từ khâu gieo trồng, chăm sóc, điều trị bệnh đến thu hoạch và chế biến cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền vận động các thành viên thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, đầu tư máy móc – trang thiết bị phục vụ sản xuất như: nhà kính phơi sấy cà phê, dây chuyền chế biến ướt cà phê công suất 1 tấn/giờ… với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng. Nhờ vậy, đến nay hầu hết thành viên của HTX đã tuân thủ nghiêm các quy định, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.
Sau thời gian tham gia HTX, đời sống các hộ thành viên đã có những chuyển biến rõ rệt về năng suất sau thu hoạch và thu nhập từ cây cà phê. Bên cạnh đó, nhờ việc áp dụng phương pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, tốc độ già hóa của các vườn cây chậm hơn trong khi năng suất lại tăng khoảng 15% so với lối canh tác trước đây. Điều làm bà con vô cùng yên tâm chính là đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định, giá thành tốt và luôn cao hơn giá thị trường từ 3.000 – 10.000 đồng/kg.
Không dừng lại ở việc nâng cao thu nhập và phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp một cách bền vững cho các hộ thành viên. HTX Thuận Phát còn quan tâm sâu sát đến chất lượng cuộc sống của bà con thông qua các chương trình: tặng tủ thuốc y tế gia đình, tặng thùng rác hay mua bảo hiểm y tế cho các hộ thành viên. Đồng thời, đây cũng là đơn vị đi đầu trong các phong trào đồng hành cùng địa phương xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ tích cực trong các chương trình nâng cao an sinh xã hội của địa phương. Cụ thể, HTX đã tham gia đóng góp vào các chương trình: tặng tủ sách thư viện, tặng quà bệnh nhân ung thư, hỗ trợ thực phẩm và các vật tư khi Covid bùng phát,… Với việc phát triển mô hình kinh tế HTX bền vững, đây còn là nơi giải quyết được vấn đề về việc làm một cách thiết thực cho địa phương.
Tin rằng, với nhiều kết quả vô cùng tích cực cả về kinh tế lẫn vai trò xây dựng phát triển cho địa phương, mô hình HTX Thuận Phát sẽ tiếp tục phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng. Trong tương lai, HTX sẽ tiếp tục cố gắng phát huy những thế mạnh sẵn có và không ngừng tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng hoạt động. Hướng tới mục tiêu xa là khẳng định được giá trị và sự khác biệt của vị Cà Phê Tây Nguyên đắng ngọt hòa quyện, hương thơm nồng đượm.